Nhịp sống âm thanh
Âm nhạc kết nối “triệu triệu trái tim”
14:49 | 04/02/2020

NGUYÊN CÔNG HẢO  

Sau Đại hội tháng 01 năm 2013, vừa ổn định xong công việc tôi được nhạc sĩ Nguyễn Trung, Chi hội trưởng Chi hội Âm nhạc của tỉnh Bắc Ninh mời đi dự chương trình Liên hoan âm nhạc các tỉnh, thành phố kết nghĩa tại thành phố Huế vào tháng 4 năm 2013.

Âm nhạc kết nối “triệu triệu trái tim”
Nghe hò Huế trên sông Hương - Ảnh: internet

Cố đô Huế, một địa danh nổi tiếng của đất nước, tôi đã có dịp đến một đôi lần nhưng chuyến đi này ở một lĩnh vực mới tôi vừa được tiếp nhận, đương nhiên tôi nhận lời với nhạc sĩ Nguyễn Trung sẽ sắp xếp thời gian, công việc để chu du một chuyến vào Huế.

Nhạc sĩ Nguyễn Trung quả là con người nhanh nhạy khi đề xuất việc Bắc Ninh kết nghĩa lĩnh vực âm nhạc với các tỉnh, thành phố lớn gồm: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Phú Thọ, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ; việc kết nghĩa như vậy sẽ giúp cho Âm nhạc Bắc Ninh có điều kiện phát triển rất nhiều. Mỗi năm luân phiên một đơn vị đăng cai tổ chức chương trình “Liên hoan âm nhạc” tạo một sân chơi, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm để nâng cao năng lực hoạt động cho các nhạc sĩ, nghệ sĩ. Vì thế chuyến đi này tôi đã gặp gỡ nhiều nhạc sĩ có tên tuổi trong làng văn nghệ như: Đỗ Hồng Quân, Phó Đức Phương, An Thuyên, Nguyễn Trọng Tạo, Trần Long Ẩn, Vũ Thiết, Trần Tiến, Lê Mây, Văn Dung, Lê Phùng, Ngô Quốc Tính, Lê Nghiệp, Vũ Văn Viết…

Vui nhất là đêm giao lưu trên thuyền nghe canh hò Huế trên sông Hương. Mỗi nhạc sĩ tự đóng góp một bài, nhạc sĩ Phó Đức Phương đòi thu bản quyền khi hát bài “Về quê”. Nghệ sĩ Ưu tú Bích Việt vốn là người tinh nghịch:

- Lệ phí bản quyền là cho anh Phương hôn tất cả những phụ nữ có mặt trên thuyền.

Mọi người đồng ý đến một trăm linh một phần trăm. Văn nghệ sĩ nhà ta thì thoải mái nhưng ca sĩ ở đội “Hò Huế” thì không thực hiện được, thế là vi phạm bản quyền, đành chơi lại trò trẻ con: Người hát trước được chỉ định người hát tiếp theo và phải là bài theo đúng yêu cầu của người hát trước. Tôi là nhân vật mới, tất nhiên bị chú ý, ca sĩ Ngọc Lan (Hà Nội) hát xong bài “Người Bắc Ninh vốn trọng chữ tình” liền chỉ định:

- Mời nhạc sĩ Nguyễn Công Hảo!

Nực cười quá, tôi đâu có là nhạc sĩ! Đi với nhạc sĩ mà lại, đành cười trừ, khổ nhất tôi chẳng thuộc bài hát nào trọn vẹn, bí quá? Nhờ Nguyễn Trung? Không hay lắm. May quá nhìn thấy nhạc sĩ Vũ Thiết, tôi cất lên đoạn đầu “Nghe câu quan họ trên cao nguyên…” và mời nhạc sĩ Vũ Thiết hát giùm đoạn sau. Nhạc sĩ Vũ Thiết hứng khởi ra điều kiện: Mời Chủ tịch Hội Bắc Ninh làm một bài thơ. Đành vậy khi nhạc sĩ Vũ Thiết hát xong, tôi cứ đọc bừa mấy ý thơ với tựa đề “Vang câu quan họ trên dòng sông Hương” để họa bài “Nghe câu câu quan họ trên cao nguyên” của Vũ Thiết…

Thật đúng là một sự kết nối rất thân mật, tự nhiên như “triệu triệu trái tim” chung một nhịp đập cho âm nhạc tỏa ngát du dương, hướng con người vươn tới những ước mơ tốt đẹp. Sau khi về, tôi mới có thời gian sửa những ý thơ bất chợt hôm ấy thành một bài thơ, nghe cũng tàm tạm với tựa đề “Gửi câu quan họ cho người Huế yêu” xin chép lại để ghi lại dấu ấn, khi tôi được giới thiệu là nhạc sĩ!

Gửi câu quan họ cho người Huế yêu  

Buông chiều mát mái Hương Giang
Ngàn xa “bèo dạt” mà sang với mình
Hàng tre Vĩ Dạ trao tình
Chiều quê ngỡ dáng trúc xinh hẹn hò.

 
Hương Giang nước chảy lững lờ
Vào trong mười nhớ đợi chờ mười thương
Mái chùa Thiên Mụ vấn vương
Lòng sao chạnh bến sông Tương, sông Cầu.

 
Người ngoan em hát ở đâu
Trường Tiền tím bước nhịp cầu nhớ nhung
Hương Giang xanh đến lạ lùng
Dòng xanh xanh tận Cửa Tùng vẫn xanh...

 
Chi mô liền chị, liền anh
Trầu têm vừa thắm đã thành chia xa
Người ơi hẹn ở quê nhà
Hội Lim mớ bẩy, mớ ba ta mời.

 
Biết là trầu thắm trong cơi
Gửi câu Quan họ cho người… Huế yêu!


Sau dịp ấy, tháng 8 năm 2013 tôi lại cùng với một số nhạc sĩ tỉnh Bắc Ninh tham dự chương trình Liên hoan âm nhạc phía Bắc (25 tỉnh, thành phố, tại Sơn La, do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức thường niên hàng năm). Khi tham dự chương trình này mới thấy hết sự phong phú, đa dạng của nền Âm nhạc Việt Nam đương đại. Tôi mạnh dạn đăng ký với nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam về chương trình Liên hoan Âm nhạc phía Bắc tổ chức tại Bắc Ninh vào năm 2014. Lúc đầu nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân chưa tin tưởng lắm vì từ những năm trước đến Liên hoan ở Sơn La, thường là Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch các tỉnh. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho rằng Hội VHNT các tỉnh ít nhân lực (biên chế) khó khăn về việc tổ chức các sự kiện lớn. Tôi trao đổi với nhạc sĩ Ngô Quốc Tính, Chi hội trưởng Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Bắc Ninh cùng dự ở Sơn La hôm ấy:

- Nhạc sĩ nên bàn với Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam về Bắc Ninh liên hoan năm 2014, Hội và anh em nhạc sĩ Bắc Ninh sẽ lo liệu, cứ mạnh dạn làm chắc là sẽ thành công.

Nhạc sĩ Ngô Quốc tính thấy tôi tỏ rõ sự quyết tâm, rất vui vẻ nói lại với Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân và được nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đồng ý sẽ liên kết, phối hợp với Hội VHNT tỉnh Bắc Ninh để tổ chức Liên hoan tại Bắc Ninh vào tháng 4 năm 2014.

Quả thật chương trình Liên hoan Âm nhạc phía Bắc năm 2014 tại Bắc Ninh đã để lại dấu ấn tốt đẹp trong giới nhạc sĩ khu vực. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân tâm tình tại buổi tổng kết hôm ấy:

- Trước đây mình không tin về việc tổ chức các sự kiện lớn của các Hội Văn nghệ các tỉnh, nay Bắc Ninh đã chứng minh và làm thay đổi suy nghĩ của mình.

Tôi không ghi lại diễn biến về chương trình Liên hoan Âm nhạc năm 2014 ở Bắc Ninh, nhưng qua chương trình Liên hoan, tôi lại hiểu hơn về vai trò của âm nhạc, phải khẳng định rằng âm nhạc vẫn là một hoạt động bề nổi của các Hội VHNT các tỉnh, nếu biết phát huy sẽ có nhiều lợi thế. Âm nhạc giúp con người xích lại gần nhau theo đúng nghĩa Âm nhạc “kết nối triệu triệu trái tim”.

N.C.H  
(SHSDB35/12-2019)



 

Các bài mới
Các bài đã đăng