Nhịp sống âm thanh
Dư âm những đêm “dư âm”
15:38 | 29/07/2008
HOÀNG HUẾNgười nhạc sĩ lão thành từ từ bước ra sân khấu. Mái tóc anh bạc phơ như tóc tiên ông, và đôi mắt thì long lanh sâu thẳm, tưởng chừng chứa hết cuộc đời. Ồ, cuộc đời dài của một nghệ sĩ, dĩ nhiên đan kín những nỗi buồn vui, kể từ cái ngày hơn nửa thế kỷ trước, khi còn là chàng thanh niên trẻ măng, anh cống hiến cho đời bài hát “Dư âm” bất hủ.
Dư âm những đêm “dư âm”

Còn bây giờ, người nghệ sĩ tài hoa kia đã bước qua ngưỡng tuổi 78, nên trong tháng 10 và tháng 11 của năm đầu thế kỷ mới, nhờ lòng nhiệt thành và tài tổ chức của nghệ sĩ gốc Huế Vũ Ban, Sài Gòn có mấy đêm mang tên “Dư âm” ở những địa điểm khác nhau để chúc thọ anh.
Đứng trên sân khấu, dù mang dáng vẻ bên ngoài của người già cả, dường như tâm hồn nhạc sĩ cao niên này còn rất trẻ, với giọng nói sang sảng, lời nói duyên dáng và nụ cười thường trực trên môi.
Anh chân thành tâm sự cùng khán giả:
- Tại sao lại có cái tên “Dư âm” cho bài hát? Tôi thường nghĩ rằng tình yêu là cây đàn muôn điệu. Và tôi thường chiêm nghiệm một cách triết lý rằng trong tình yêu, trong cuộc đời, tất cả rồi sẽ qua đi, sẽ mất đi. Cái duy nhất còn lại chỉ là “Dư âm” của một thời quá khứ.
Tôi quen biết nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý hơn nửa thế kỷ rồi, từ khi anh còn là trưởng đoàn văn công của Sư đoàn 304 thường đóng ở Liên khu 4 cũ trong thời kháng chiến chống Pháp. Đó cũng là thời điểm ra đời của ca khúc “Dư âm”. Giữa tiếng gầm thét của bão lửa chiến tranh, giữa khi mà tính mệnh con người bị bom đạn đe doạ tưởng chừng treo trên đầu sợi tóc, cuộc đời vẫn du dương vang lên âm giai ngọt ngào của tình yêu! Chỉ vì điều đó chính là đề tài muôn thuở của văn học nghệ thuật, điều đó muôn đời nằm sâu trong trái tim con người:
“Anh yêu tiếng hát, êm như lời nguyền đẹp bao ước mơ.
Anh như lầu vắng, em như ánh trăng reo muôn ý thơ”
Thời kỳ đó, ngưỡng cửa vào đời của lứa trẻ chúng tôi không kết bằng hoa mà bằng tiếng súng. Nhưng chính ở cái ngưỡng cửa đầy chông gai đó, thật ra chúng tôi vẫn cài một bông hồng tình yêu trong trái tim trai trẻ. Khi bén duyên với một nhan sắc tri âm nào đó giữa dòng đời, chúng tôi vẫn tin ở mấy chữ “duyên nợ”, “duyên kiếp”, và hình tượng cổ xưa này chợt hiện lên vô cùng sống động trong câu hát Nguyễn Văn Tý:
“Hẹn nhau từ muôn kiếp trước, nhớ em mấy thuở bạc đầu”
Lứa văn nghệ sĩ chúng tôi công tác ở Ban Văn Nghệ sư đoàn thời ấy, một số đã giã từ cõi đời, một số sống ở phương trời xa, có người trở về quê quán cày ruộng và làm thơ, có người trải qua nhiều trầm luân khổ ải, lại có người chức vụ thật cao trong chính quyền. Riêng nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, một mình một bóng, vẫn âm thầm tiến bước trên con đường âm nhạc, bàn chân giai điệu của anh chưa hề ngưng nghỉ. Có lẽ nhờ lòng kiên trì nghệ thuật kia, anh từng đoạt một số giải thưởng âm nhạc toàn quốc, và gần đây nhất, năm 2000, giải thưởng Hồ Chí Minh. Ngoài những sáng tác cả nhạc lẫn lời đều của anh, vào thập niên gần đây, nhạc sĩ còn phổ nhạc một số bài thơ mà anh yêu thích, của Xuân Quỳnh, Trần Mạnh Hảo...
Năm ngoái, không rõ vì tình bạn cố tri hay vì tâm đắc, anh bỏ ra chín tháng trơi phổ nhạc bài thơ “Em hát” của tôi. Bài thơ này cũng là một thứ “dư âm”, tôi làm 44 năm trước, viết tặng riêng một người nên chưa hề đăng báo. Chỉ thỉnh thoảng, khi bồi hồi nhớ lại kỷ niệm xưa, tôi mới đem đọc nó trong các buổi “trà dư tửu hậu” cùng bạn bè văn nghệ. Dường như những vần thơ này cũng lưu chút ít ấn tượng cho người nghe, nên nhà thơ trẻ Đoàn Vị Thượng viết bài báo “Bài thơ vượt thời gian” đăng trên báo “Phụ Nữ Thành Phố”, một nhà thơ Việt kiều đem in ở Mỹ, còn nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý thì phổ nhạc để chắp thêm cánh bay cho thơ. Nói một cách hình tượng hơn, cũng như đối với 4 bài thơ khác mà anh phổ nhạc ở khoảng cuối đời, anh đã đắp thêm mây trắng cho các cánh thơ để bay bổng, bay cao hơn nữa.
Thông thường ở đời, người ta càng già đi thì càng có nhiều bệnh tật, càng giảm bớt lòng yêu đời, yêu người. Nhưng Nguyễn Văn Tý lại khác. Cho dù bệnh tật đầy người, nhiều tháng phải khổ công tập luyện phương pháp sinh học, nhiều tháng phải chống nạng khó nhọc tập đi lại sau cơn tai biến mạch máu não, cuối cùng anh vẫn đứng trên sân khấu với nụ cười thật tươi. Anh nói:
- Xin đừng tưởng tôi già lão, nên lòng tôi hết yêu. Không, trái tim tôi vẫn tràn đầy tình yêu. Bởi vì muốn tiếp tục làm nghệ thuật, phải yêu thương đến tận hơi thở cuối cùng.
Quả thật khoảng dăm tháng trước, khi tôi dẫn nghệ sĩ diễn ngâm Vũ Ban đến thăm anh ở bệnh viện ( thỉnh thoảng anh lại phải đi nằm viện), biết Vũ Ban là người vốn quý mến trân trọng những ca khúc của anh, Nguyễn Văn Tý thì thầm với chúng tôi:
- Quỹ thời gian của mình còn rất ít, nhưng mình vẫn gắng sáng tác đến phút chót.
Từ buổi thăm bệnh đó, một ý định quyết tâm chợt manh nha trong đầu chúng tôi: “Phải tổ chức một đêm “Dư âm” đầy kỷ niệm để mừng thọ anh”.
Không phải chỉ có một đêm, mà Sài Gòn vừa qua đã có hai buổi “Dư âm”. Người nghệ sĩ quê Bắc, ra đời ở thành phố Vinh, làm rể miền Hương Ngự, hiện cư ngụ Sài Gòn, tựa hồ chiếm được vô số cảm tình của công chúng yêu nhạc ở khắp mọi miền đất nước.
Buổi diễn nào cũng đông nghịt khán giả và không ai ra về trước bài hát cuối cùng. Phải chăng khán giả đến với nhạc sĩ bằng tất cả tấm lòng họ? Đó là những người từ xưa từng thuộc nằm lòng những giai điệu của “Dư âm”, và sau đó của “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ”, “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa”, “Dáng đứng Bến Tre”, “Cô đi nuôi dạy trẻ."v.v...
Không khí các buổi diễn thật trang trọng. Trang trọng nhưng không trịnh trọng. Mà ngược lại, đồng cảm, chan hoà, ấm áp tình nghĩa.
Trong đêm “Dư âm” đầu, có mặt người vợ Huế đầu tiên của Nguyễn Văn Tý, là em gái nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương. Có mặt các nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhạc sĩ bè bạn.
Ngay các ca sĩ nổi tiếng mà nhạc sĩ gọi là “người thân trong gia đình, còn thân hơn cả vợ con”, cũng đến hát bằng cả tấm lòng của mình. Trong khi nhạc sĩ, thoải mái và tự nhiên, đứng lên đưa tay đánh nhịp theo điệu nhạc, thì đan xen lẫn nhau là các giọng ca đậm đà của Ngọc Yến, ngọt ngào của Ánh Tuyết, sâu lắng của Hồng Vân, trầm ấm của Quang Lý, bay bổng của Tô Thanh Phương...
Đặc biệt ca sĩ Cao Minh, bằng giọng ca man mác chứa chan cảm xúc, đã biểu diễn xuất thần hai ca khúc mới phổ thơ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý (“Ru người trong năm”, thơ Trần Mạnh Hảo, phổ nhạc 1993 và “Em hát”, thơ Hoàng Huế, phổ nhạc năm 2000). Trong “Em hát”, tiếng hát Cao Minh cơ hồ cũng mường tượng giọng hát trong lời ca khúc nọ:
Em hát vào gỗ mục - gỗ mục bèn ra nấm
Em hát vào gỗ cứng - gỗ cứng chợt ra hoa
Em hát vào lau khô - lau khô xanh thành ruộng
Em hát vào suối cạn - suối cạn chảy thành sông.”...
Tôi là người rất yêu nhạc, dù theo đuổi nghề văn thơ. Tôi thường nghĩ rằng âm nhạc xưa nay không có màu sắc, không có các loại nhạc màu vàng, màu đỏ, màu xanh, màu hồng theo sự sắp xếp khiên cưỡng nào đó. Thật ra trong thế giới loài người, chỉ tồn tại hai loại nhạc, là nhạc hay và nhạc dở. Nhạc hay là thứ nhạc đi thẳng vào trái tim con người, còn nhạc dở khi đến ngưỡng cửa trái tim thì dừng lại, sau đó bị đánh bật ra theo một phản xạ tự nhiên.
Có thể nói hầu hết ca khúc Nguyễn Văn Tý trong các đêm "Dư âm” đều làm xúc động trái tim người nghe.
Nhưng rõ ràng điều quan trọng nhất, theo cảm nhận riêng tôi, dường như chỉ trong khoảnh khắc vài giờ của mỗi buổi “Dư âm” kia thôi, những ca khúc Nguyễn Văn Tý bỗng nhiên trở thành những gam màu sống động, lưu lại trong trái tim công chúng những ấn tượng khó phai mờ.
Phải chăng, đó chính là dư âm của những đêm “Dư âm” vừa qua?

H.H

(nguồn: TCSH số 155 - 01 - 2002)

Các bài mới
Các bài đã đăng