Âm sắc Huế
Ca Huế thính phòng đồng điệu tri âm
14:23 | 07/01/2014

VÕ QUÊ

Dân tộc Việt Nam do hoàn cảnh địa lý và các điều kiện khách quan khác đã có một nền văn hóa đa dạng, trong đó bộ môn Ca Huế đã tiếp thu, kế thừa và ảnh hưởng nhiều sắc thái, tinh hoa của nhiều vùng đất khác nhau.

Ca Huế thính phòng đồng điệu tri âm
Nghệ nhân Thanh Tâm. Ảnh: Nguyễn Hữu Thông

Điệu Bắc vui tươi như 10 bản liên hoàn, cổ bản, lưu thủy, hành vân... Điệu Nam ai oán, trữ tình như Nam ai, Nam bình... đã nói lên sự tổng hợp mà ca nhạc Huế tiếp truyền được trong quá trình hình thành của nó. Chính những yếu tố dị biệt, tương phản Bắc Nam, buồn vui đã dung hòa trong âm nhạc Huế mà Ca Huế có một sắc thái riêng biệt, một tính chất đặc thù rất đáng trân trọng, gìn giữ.

Tại miền núi Ngự sông Hương, trong khoảng 200 năm trở lại đây, chẳng những tầng lớp quý tộc mà đến những người bình thường, dân dã... cũng đã hết lòng nghiên cứu bộ môn Ca Huế, tập luyện đàn ca đến mức tuyệt kỹ, điêu luyện. Một số đông văn nhân thi sĩ đã sáng tác lời Ca Huế, trong đó có các nhà thơ không phải sinh trưởng ở đất thần kinh như Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, Á Nam Trần Tuấn Khải...

Bài viết Nguồn mỹ cảm của dân tộc Việt Nam gặp gỡ Chiêm Thành của Bửu Cầm đăng trong tập Nguồn Mỹ Cảm của Hội Người Yêu Mỹ Thuật Huế, các tập sách viết về ca nhạc Huế của Ưng Ân, Bán buồn mùa vui của Ưng Bình Thúc Giạ (1954), Câu hò mái đẩy của Thảo Am Nguyễn Khoa Vy (1957), Cố đô Huế của Vu Hương, Thanh Tùng, Kiều Khê (1971), Tìm hiểu Ca Huế và dân ca Bình Trị Thiên của Văn Thanh (1989), Ca Huế và ca kịch Huế của Văn Lang (1993) và các bài viết khác của Hoàng Yến đăng trên tạp chí Nam Phong; những cuốn sách dạy đàn của Nguyễn Hữu Ba đã cho thấy bộ môn Ca Huế đã đi vào đời sống Huế rất thiết thân và trở thành một nhu cầu không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa thường ngày.

Trong những năm chiến tranh, bộ môn Ca Huế không được phát triển sâu rộng trên đất Huế mà chỉ hạn chế trong một số sinh hoạt có tính chất gia đình, nhóm bạn lẻ tẻ. Các giọng ca, nhạc công thiếu các điều kiện để phát huy tài nghệ của mình. Sau ngày đất nước được thống nhất, quê hương sống trọn vẹn những ngày bình yên thực sự, cung bậc tri âm một thời vàng son đã hồi sinh trong lòng Huế. Ca Huế đã tìm lại chính mình giữa một trung tâm được thế giới công nhận là di sản văn hóa của loài người.

Đội ngũ ca sĩ, nhạc sĩ, nhạc công đã được phát triển trên nhiều mặt. Vừa đông về số lượng, vừa được nâng cao về chất. Lớp nghệ sĩ lão thành hòa âm cùng thế hệ trẻ. Người mộ điệu Ca Huế ngày càng tăng theo thời gian là người xứ Huế, là bạn tri âm trong nước, là khách du lịch từ mọi miền trên trái đất... Tất cả đã và đang tìm đến nhau cũng âm điệu Huế sâu lắng, trữ tình. Loại hình Ca Huế đã hòa nhịp trong đời sống văn hóa du lịch; đã làm phong phú thêm bản sắc Huế vốn đa dạng, mộng và thơ...

Ngũ tuyệt: đàn tranh (Lệ Hoa), đàn tỳ bà (Ngọc Hùng), đàn nhị (Trần Huế), đàn nguyệt (NSƯT Thái Hùng), Quốc Khánh (đàn bầu) cùng Thiên Phúc & Ý Linh trong làn điệu Nam ai, Nam bình. Ảnh: Đỗ Vũ tại Thính phòng Ca Huế, 25 Lê Lợi, Huế


Việc tiếp tục được mở ra không gian ca Huế thính phòng bên cạnh các chương trình biểu diễn ca Huế trên sông Hương là một trong những mơ ước của giới nghệ nhân, nghệ sĩ đàn, ca Huế. Với thời lượng hạn chế trên thuyền du lịch trên sông Hương như hiện nay cũng như sự thiếu quan tâm của một số “chủ show” các bài bản lớn của nghệ thuật Ca Huế như Quả phụ, Nam xuân, Nam ai, Phú Lục, Tứ Đại Cảnh… gần như vắng bóng; thay vào đó phần lớn là các làn điệu dân ca, các điệu lý dẫn đến việc biến dạng hình thức diễn xướng ca Huế, có thể gây sự hiểu lầm, hiểu không đúng trong du khách, những người đang tìm đến nghệ thuật Ca Huế để hiểu hay nghiên cứu.

Được sự quan tâm của Thành ủy, Ủy ban Nhân dân Thành phố Huế, của Trung tâm Văn hóa Huế… nên Bảo tàng Văn hóa Huế dù mới thành lập cách không lâu nhưng đã mạnh dạn mở một thính phòng Ca Huế với đêm diễn đầu tiên vào tối 20/8/2013 tại 25 Bảo tàng Văn hóa Huế (25 Lê Lợi, Huế) nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Câu lạc bộ Ca Huế thuộc Trung tâm Văn hóa Huế. Cùng với thính phòng ca Huế, Bảo tàng Văn hóa Huế đã khai trương phòng trưng bày các tư liệu, nhạc cụ dân tộc của các nghệ nhân Ca Huế, tranh ảnh, sách báo về ca Huế.

Như vậy là từ nay, Huế đã có một thính phòng Ca Huế biểu diễn thường xuyên vào tối thứ ba, thứ sáu hằng tuần (đang trong giai đoạn miễn phí) với sự tham gia biểu diễn của các nghệ nhân ca Huế nổi tiếng như: nghệ nhân dân gian Minh Mẫn, Thanh Hương, Thanh Tâm, Kim Vàng, Quỳnh Hoa, NSƯT Khánh Vân, NSƯT Thu Hằng, Kim Liên, Xuân Thu, Hồng Thanh, Thu Hiền, Mai Sao… bên cạnh các nhạc hữu tài danh: NSƯT Thái Hùng, Hương Hoa, Lệ Hoa, Trần Thảo, Trần Huế, Ngọc Hùng… và một dàn nhạc công trẻ như Trần Diệp, Đỗ Trung Thành, Nguyễn Hưng, Quốc Khánh, Nguyễn Đình Hưng, Thùy Dương…; diễn viên trẻ như Ý Nhi, Thiên Phúc, Ý Linh, Mỹ Duyên, Thảo Hạnh, Ngọc Nhẫn, Kim Châm, Khánh Châm… được đào tạo bài bản từ trường Văn hóa Nghệ thuật, Nhạc viện Huế hay từ các “lò” nghệ nhân lớp trước.

Khi có thính phòng ca Huế, chắc chắn sẽ không còn nhiều mối lo trong tâm thức của nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân ca Huế, trong lòng người mộ điệu: lo các bài bản lớn của Ca Huế sẽ sớm bị thất truyền bởi thiếu vắng một không gian diễn xướng; lo khi các nghệ nhân lớn tuổi không có nơi để đàn ca xướng hát và qua đi thì ai sẽ tiếp truyền những bài ca, những bài đàn Quả phụ, Nam xuân, Nam ai…; lo giới soạn lời Ca Huế là các văn nhân thi sĩ không có nơi giao lưu, gặp gỡ các nhạch hữu, ca nương để khơi nguồn cảm hứng, lo khán giả nhà sẽ vắng dần những tri âm, lo du khách không được thưởng thức một chương trình Ca Huế trọn vẹn, đúng nghĩa…

Thính phòng Ca Huế đang tiếp tục chào đón các nghệ sĩ, nghệ nhân đồng thanh tương ứng. Hồn Huế đang luôn vọng ngân trong mỗi tri âm trong và ngoài nước từng cung bậc thái hòa, đồng điệu.

V.Q
(SDB11/12-13)







 

Các bài mới
Các bài đã đăng