Âm sắc Huế
Những giá trị nghệ thuật của bài bản Nhã nhạc Tam Thiên
16:01 | 26/03/2014

Sau khi triều đình nhà Nguyễn cáo chung, âm nhạc cung đình cũng mất đi môi trường diễn xướng nguyên thủy, do đó loại hình nghệ thuật này đã theo chân các nghệ nhân cung đình lan tỏa về với dân gian, tác động vào nghệ thuật dân gian trên nhiều vùng văn hóa trong cả nước. 

Những giá trị nghệ thuật của bài bản Nhã nhạc Tam Thiên

Hiện nay, ngoài một số bài bản đang còn được bảo tồn và phát huy, thì vẫn còn một số bài bản thuộc hệ thống Nhã nhạc cung đình Huế đã bị mai một hoặc tản mác trong dân gian, trong đó có bài bản Nhã nhạc Tam Thiên (hay còn gọi là Tam Thiên khúc).

“Tam Thiên” là một trong 17 bài bản cơ bản của Tế nhạc, được triều đình nhà Nguyễn tấu trong các dịp tế lễ và trong các dịp khác của vua chúa (phần dâng rượu trong nghi thức tế lễ), về sau được lưu truyền trong dân gian chủ yếu ở các vùng phía Bắc tỉnh Thừa Thiên Huế. Qua một thời gian dài, nay gần như bị thất truyền với nhiều nguyên nhân khác nhau. Theo các nghệ nhân, sở dĩ bài bản này bị thất truyền do ít được chú ý đến vì nó có đường nét giai điệu bình thường, âm hình tiết tấu khá đơn giản, phạm vi sử dụng lại hạn hẹp, hầu như chỉ được dùng làm “nhạc dẫn” trong lễ tế. Trong khi đó thì các bài bản lớn khác như: Long ngâm, Bình bán, Lưu thủy… lại thường được sử dụng trong nhiều tình huống khác nhau (dâng hương, yến tiệc…) vì giai điệu của chúng phong phú, linh hoạt, tiết tấu phức tạp và có sức cuốn hút dễ hấp dẫn người nghe hơn.

Bài bản Nhã nhạc Tam Thiên được sử dụng khi nghi thức dâng rượu bắt đầu (tuần sơ hiến…), đây bài bản được thể hiện theo phương thức hòa tấu dàn nhạc. Để nêu được giá trị nghệ thuật của bài bản Tam Thiên nói riêng và các bài bản thuộc hệ thống Nhã nhạc cung đình Huế nói chung, các nghệ nhân thường tập trung khảo sát một số nguyên tắc trong việc sử dụng các bài bản và nghệ thuật hòa tấu của hai dàn nhạc Đại nhạc và Tiểu nhạc còn lại hiện nay.

Dàn Đại nhạc có hai bộ, đó là bộ gõ (trống, mõ…) và bộ hơi (kèn); dàn Tiểu nhạc có ba bộ, đó là bộ gõ (trống bản, phách…), bộ hơi (sáo) và bộ dây (đàn nhị, đàn nguyệt…). Xét về mặt hiệu quả âm thanh, phần giai điệu do bộ hơi, bộ dây thể hiện, phần tiết tấu do bộ gõ đảm nhiệm, trong đó nhạc công trống giữ vai trò nhạc trưởng chỉ huy dàn nhạc về mọi mặt: Giai điệu, nhịp độ, sắc thái…

Về tốc độ và nhịp, bài Tam Thiên thường được diễn tấu sao cho thích hợp với các bước chân đi đều của những người dẫn rượu (bộ dẫn rượu).

Trong dàn nhạc truyền thống ở Huế, thông thường người đánh trống là nhạc trưởng điều khiến tất cả các thành viên. Do đó, các nhạc công kèn, đàn đều phải dựa vào sự ra dấu (bằng câu thủ) do người đánh trống thực hiện để vào bài cho đúng phách nhịp kể cả đúng bài bản. Trong lễ tế, nhạc công trống giữ vai trò trung gian điều khiển tạo sự hòa nhịp giữa các hoạt động của ban văn lễ (xướng, dẫn rượu…) và ban nhạc.

Nói chung, khi đánh trống điều khiển các người dẫn rượu (bộ dẫn) bước đều, các nghệ nhân đều thống nhất sử dụng ba roi Tòong Tòong Cắc  với mục đích sau:

- Roi Tòong thứ nhất (ký hiệu T): Báo cho bộ dẫn chuẩn bị và chú ý.
- Roi Tòong thứ hai (ký hiệu T): Báo cho bộ dẫn thực hiện động tác cầu (thân người hơi khom xuống, cẳng chân với đùi hợp thành một góc 90o mũi chân hướng về trước, sau đó đá chân về phía trước rồi hạ bàn chân xuống ngay tiếng Tòong thứ hai).
- Roi Cắc cuối cùng (ký hiệu C): Báo cho bộ dẫn đặt bàn chân xuống.

Chính cách phân bố này đã tạo nên một khuôn trống rõ ràng (gồm hai nhịp):

- Nhịp thứ nhất: Roi Cắc được thực hiện trên phách thứ nhất, ba phách còn lại là thời gian trống nghỉ dành cho bộ dẫn đưa mũi bàn chân sau tiếp giáp với gót bàn chân trước vừa được đặt xuống, động tác này được nghệ nhân Hồ Đăng Châu gọi là “đỡ gót chân” (trong vũ đạo tuồng ta hay gọi là động tác ký).
- Nhịp thứ hai: Roi Tòong thứ nhất được thực hiện trên phách một và ngân dài qua phách hai của nhịp. Roi Tòong thứ hai được thực hiện trên phách ba và ngân dài qua phách bốn của nhịp.

Với sự nối tiếp lần lượt của các khuôn trống cho ta cảm nhận được tính tuần hoàn của ba roi: T.T.C…T.T.C…T.T.C… Ứng với ba roi này, bộ dẫn chỉ bước được một bước và làm động tác ký. Như vậy, nếu diễn tấu trọn vẹn một bài Tam Thiên (10 nhịp) bộ dẫn bước được năm bước. Chính điều này, cho phép người đánh trống áng chừng được số bước chân cần thực hiện của bộ dẫn để tính toán số lần cần lặp lại của bài Tam Thiên.

Trong thực tế, khi điều khiển bộ dẫn (ở giai đoạn dâng rượu) và dàn nhạc, người đánh trống thường phải đổ trống sau lệnh xướng: “nghệ đại vương thần vị tiền”. Tuy vậy, trước khi đổ trống, muốn cho dàn nhạc đánh bài gì, nhạc công trống phải thực hiện câu thủ của bài đó để ra lệnh cho dàn nhạc diễn tấu rồi mới đổ một hồi trống để bộ dẫn nâng khay lên. Sau đó, nhạc công trống dựa vào giai điệu dàn nhạc đang diễn tấu để thực hiện ba roi T.T.C… đúng phách nhịp của bài với tốc độ vừa phải để bộ dẫn bước đúng nhịp, đúng giai điệu dàn nhạc đang thực hiện. Kể từ đây, dàn nhạc diễn tấu liên tục và chỉ dừng lại khi nhạc công trống báo hiệu dứt nhạc.

Những giá trị nghệ thuật của bài bản Nhã nhạc Tam Thiên có ý nghĩa thiết thực trong việc phục vụ nghi lễ ở chốn cung đình xưa, cũng như trong dân gian hiện nay; khi thực hiện hồ sơ khoa học về bài bản Nhã nhạc Tam Thiên, nhóm nghiên cứu với nguyện vọng phục dựng lại bài bản này đúng như những gì nó vốn có, để gìn giữ và phát huy những vốn cổ mà tiền nhân của chúng ta đã để lại.

Nguồn BVPL

Các bài mới
Các bài đã đăng