Âm sắc Huế
Một số biến đổi của Ca Huế trong thế kỷ XX qua câu chuyện về bài 'Tương tư khúc'
09:31 | 02/10/2018

PHAN THUẬN THẢO

Quạnh quẽ màn loan, tay ôm đàn tình tang tích tịch
Cung réo rắt đau lòng riêng càng thêm chạnh, vì ai thêm bận
Ngồi trông bạn, kìa đâu bạn, mờ mịt trời mây én nhạn lìa đôi
Tình đau thương tình ôi…

Một số biến đổi của Ca Huế trong thế kỷ XX qua câu chuyện về bài 'Tương tư khúc'
Tranh Lê Minh Phong

Đã nhiều thập kỷ nay, bài Tương tư khúc với lời ca buồn bã, giai điệu bi thương đã làm rung động con tim của biết bao người hâm mộ bộ môn nghệ thuật Ca Huế - một thể loại âm nhạc thính phòng đặc sắc phát sinh và phát triển tại Cố đô Huế. Trong số những bài bản Ca Huế, Tương tư khúc là một bài bản đặc biệt. Chính vì sự đặc biệt đó mà bài viết này đề cập đến nó, từ đó có thể mở ra những nhận thức chung về nghệ thuật Ca Huế trong giai đoạn thế kỷ XX.

1. Về tác giả và thời điểm ra đời

Trong khi tất cả các bài bản của Ca Huế cũng như của nhiều thể loại âm nhạc cổ truyền khác không có tác giả và không rõ thời điểm ra đời thì Tương tư khúc lại là một bài bản hiếm hoi có được những thông tin này. Tác giả Văn Lang trong sách Ca Huế và Ca kịch Huế đã viết: “Đây [Tương tư khúc - PTT] là một bài mới - có thể là duy nhất - được đặt ra trong thế kỷ 20 này. Theo lời ông Mộng Ứng, một nhạc công lão thành cho biết bài ca do nhạc sĩ Lý Vũ, người ở Thừa Thiên, sáng tác vào khoảng 1935 - 1940. Có người lại cho là Lý Hiền sáng tác. Nhưng ông Nguyễn Kế, nhạc công hiện ở Huế, thì khẳng định bài ca do ông Trợ Bát (tức Ưng Bát), rể bà An Nhơn, đặt ra có sự cộng tác của ông Lý Vũ. Theo chúng tôi, sự phát hiện của ông Nguyễn Kế là đáng tin cậy nhất” 1.

Từ năm 1996, khi được học và tiếp xúc với các nghệ nhân lão thành về Ca Huế như các ông Nguyễn Kế (1919 - 2002), Trần Kích (1921 - 2010), Minh Mẫn (1925 - 2018), tôi đã được nghe họ kể về việc các cụ Bửu Bát 2, Lý Vũ 3, Hòa thượng Thích Thiện Trí (1907 - 2000) 4 trụ trì chùa Hiếu Quang (ở 141, Điện Biên Phủ, Trường An, Huế)… thường gặp mặt và “chơi” Ca Huế với nhau. Trong hoàn cảnh đó, bài Tương tư khúc đã được sáng tác vào khoảng năm 1937. Trong những giờ học hòa đàn, hòa ca với nghệ nhân Nguyễn Kế, tôi được thầy cho biết ông Bửu Bát chính là người đã sáng tác ra bản Tương tư khúc. Danh ca Minh Mẫn - thầy dạy Ca Huế của tôi - kể rằng bà đã được chính tác giả tập cho ca bài này ở chùa Hiếu Quang. Thêm vào đó, tập ghi lời Ca Huế do ông ngoại tôi là Nguyễn Hữu Mai 5 truyền lại cũng ghi tên Bửu Bát là tác giả của bài ca Tương tư khúc “Quạnh quẽ màn loan…”.

Như thế, bài Tương tư khúc ra đời trong giai đoạn muộn của Ca Huế, khoảng gần giữa thế kỷ XX. Có thể xem đây là một sáng tác mới của các nghệ sĩ Ca Huế, bổ sung thêm bài bản cho bộ môn nghệ thuật truyền thống đặc sắc này của vùng đất Cố đô.

2. Về thang âm - điệu thức

Bài Tương tư khúc có hệ thống thang âm - điệu thức khác với tất cả các bài bản Ca Huế và dân ca Huế (trừ bài Lý Năm canh). Chúng ta đã biết rằng Ca Huế sử dụng hệ thống thang âm cơ bản gồm 5 âm như sau:
 

Từ thang 5 âm cơ bản này, người ta có thể có thêm âm mi (y) (mi bình, không phải mi giáng), âm sib (phàn) với những quy luật tiến hành giai điệu của chúng. Cho nên, không phải tất cả các bài bản Ca Huế đều có thang 5 âm như trên mà đó chỉ là thang âm cơ bản được sử dụng phổ biến mà thôi. Với thang âm này, người ta sử dụng các kỹ thuật rung, vỗ, nhấn… để tạo nên các loại hơi khách, nam, dựng…, thể hiện những sắc thái tình cảm khác nhau của con người. Về vấn đề hơi nhạc trong Ca Huế, đã có các tác giả khác bàn đến trong những công trình trước đây, chúng tôi xin không lạm bàn ở đây.

Xét về thang âm, bài Tương tư khúc sử dụng một hệ thống khác:
 

Điều thấy rõ ở đây là âm mib đã hoàn toàn thay thế âm re thường gặp trong hệ thống thang âm Ca Huế và dân ca Huế. Âm mib tạo ra một quãng 3 thứ với âm thấp hơn liền kề và tạo nên quãng 2 trưởng với âm cao hơn liền kề 6.
 

Sự xuất hiện của âm mib thay cho âm re đã tạo cho giai điệu của Tương tư khúc một tính chất riêng, khác hẳn với âm điệu đặc trưng của Ca Huế chuyên sử dụng thang 5 âm cơ bản do - re - fa - sol - la.


Mô hình giai điệu này xuất hiện khá nhiều trong bài Tương tư khúc, tạo cho bài bản này một đường nét giai điệu riêng so với các bài bản Ca Huế khác.

Đáng lưu ý, trong bài bản này có cả nốt la (cống) và sib (phàn), khiến cho thang âm của bài bản không còn là 5 âm mà đã là 6 âm. Tuy vậy, 2 nốt này không đi liền với nhau, lúc có âm này thì vắng âm kia và ngược lại.

Trên cơ sở thang âm đó, giai điệu bài nhạc được tiến hành trên trục âm tựa hò-xang-liu. Khi diễn tấu bài bản này, người đàn rung ở các nốt fa (xang), sib (phàn) và do (liu), vỗ ở nốt sol (xê), còn người ca thì rung ở các nốt fa (xang). Sib (phàn). Với cách xử lý như vậy, Tương tư khúc nghe buồn bã, ai oán tương tự như hơi Ai, hơi Oán của nhạc Tài tử - Cải lương Nam Bộ7 bởi chúng có cùng thang âm và rung, vỗ ở những vị trí giống nhau.  


Lý giải về sự giống nhau này, có thể thấy rằng thời gian mà bài Tương tư khúc ra đời là lúc mà nghệ thuật Cải lương phát triển rực rỡ và ảnh hưởng đến cả Trung bộ, Bắc bộ, trong đó có Huế. Những gánh hát Cải lương thường xuyên lưu diễn khắp nơi đã đưa âm nhạc của nó đến với các nghệ sĩ Huế. Chính vì thế, họ đã cho ra đời một bài bản Ca Huế mới chịu ảnh hưởng của nhạc Cải lương Nam bộ. Tuy vậy, các nghệ sĩ Huế vẫn diễn tấu bài bản này với đậm đà chất Huế, bởi nó vẫn mang âm hưởng Huế, phân biệt với nhạc Tài tử - Cải lương Nam bộ.

3. Về nhịp

Khái niệm nhịp có một số cách hiểu khác nhau trong nhạc cổ truyền Việt Nam. Bài viết này sử dụng một trong những nghĩa của từ đó. Trong nhạc cổ truyền Huế, khái niệm này đã được một người Pháp là ông Louis Crochou diễn giải như sau: “Không có đủ từ ngữ để diễn đạt, chúng ta tạm gọi “nhịp” là khoảng cách giữa hai tiếng [sinh] và “nhịp điệu” để chỉ từng nhịp được ngắt bằng một “tiếng sinh” 8. Trong quá trình học và thực hành Ca Huế, tôi hiểu rằng mỗi lúc tiếng sanh (hoặc sinh) gõ xuống thì tính là một nhịp. Nếu như hiểu nhịp là “khoảng cách giữa hai tiếng sinh” thì nó tương đương với khái niệm “measure” trong tiếng Anh, tiếng Pháp, nghĩa là “ô nhịp”. Hai cách hiểu này thực ra không khác nhau về ý nghĩa thực tế và tôi sẽ sử dụng nó trong bài viết này.

Hiện nay, bài Tương tư khúc có một số bản khác nhau:

(1) Bản thông dụng nhất hiện nay là bản có 27 nhịp, có khi được ghi thành 29 nhịp do lặp lại 2 nhịp kết bài (xem Phụ lục 1 dưới đây).  


(2) Bản của các nghệ nhân Minh Mẫn, Nguyễn Kế trực tiếp truyền cho tôi có 30 nhịp (xem Phụ lục 2 dưới đây).  


(3) Bản in trong Giáo trình Đàn - Ca Huế 9 có 32 nhịp (nếu tính thêm  nhịp lấy đà thì là 33 nhịp) (xem Phụ lục 3 dưới đây).   


Tại sao lại có sự khác nhau như thế?

So sánh bản (2) và bản (3), có thể thấy sở dĩ bản (3) có thêm 2 nhịp là vì hai nhịp cuối được diễn tấu lặp lại để kết bài. Như vậy, hai bản này chỉ là một và chúng ta không nên tính nhịp của phần lặp lại để kết bài, cho nên bài này chỉ có 30 nhịp mà thôi. Bản này được các nghệ nhân phái Ca Huế thính phòng như Nguyễn Kế, Trần Kích, Minh Mẫn, Diệu Liên, Trần Thảo, Lệ Hoa, Nguyễn Đình Vân... diễn tấu.

Trong khi đó, bản (1) có 27 nhịp thường do các nghệ sĩ phái Ca Kịch Huế diễn tấu. Sở dĩ nó chỉ còn 27 nhịp là vì khi bài Tương tư khúc, cũng như các bài bản Ca Huế khác, từ một bài bản thính phòng được đưa lên sân khấu Ca kịch thì có sự thay đổi về tốc độ, tiết tấu, đặc biệt là cấu trúc bài bản. NSND Ngọc Bình, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế đã viết: “... các bài bản Ca Huế khi sử dụng trong ca kịch Huế, nhằm đảm bảo phục vụ cho tình huống, tâm trạng và tính kịch của từng hoàn cảnh, nhân vật cũng như tính tiết tấu của xung đột kịch, thì người chuyển thể có thể phá vỡ cấu trúc chung mang tính trọn vẹn của từng bài bản, nghĩa là không sử dụng toàn bài, mà chỉ đưa vào nhân vật từng đoạn của bài hát nhằm phù hợp với tình huống và tâm trạng của nhân vật lúc đó, vừa phù hợp với tiết tấu, đồng thời rút ngắn được thời lượng của bài ca, và có thể từ một đoạn của bài hát này chuyển qua một đoạn của bài hát khác, vừa phong phú về giai điệu vừa chuyển đổi tâm trạng của nhân vật” 10. Như thế, bản Tương tư khúc 27 nhịp là sự rút ngắn từ bản 30 nhịp để phù hợp với tính kịch trong sân khấu Ca kịch Huế. Thực tế hiện nay, ở Huế vẫn tồn tại 2 bản Tương tư khúc khác nhau, trong đó bản 27 nhịp được diễn tấu thường xuyên hơn. Phần lớn các nghệ sĩ trẻ và trung niên, nhất là các nghệ sĩ phái Ca Kịch, không biết đến bản Tương tư khúc 30 nhịp nên bản này có thể sẽ bị lãng quên trong vài mươi năm tới.

4. Từ bài Tương tư khúc, bàn về một vài biến đổi của Ca Huế trong thế kỷ XX

Dù đây chỉ là câu chuyện về một bài bản, nhưng nó phần nào nói lên tình hình của nghệ thuật Ca Huế giai đoạn thế kỷ XX. Người Huế mặc dù được xem là có tính cách bảo thủ, nhưng các nghệ sĩ Huế cũng đã mở lòng giao lưu với bên ngoài và chịu ảnh hưởng của âm nhạc Nam bộ khi sáng tác bài Tương tư khúc trong Ca Huế. Bài bản này nhanh chóng trở nên phổ biến và được người Huế yêu thích bởi sự buồn bã da diết của nó phù hợp với tâm hồn đa sầu đa cảm của cư dân vùng đất Cố đô.

Như thế, từ trước đến nay, nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định rằng âm nhạc Huế ảnh hưởng khá sâu đậm đối với nhạc lễ và nhạc Tài tử - Cải lương Nam bộ. Tuy vậy, chúng ta cũng cần nhìn nhận sự ảnh hưởng ngược lại của nhạc Cải lương Nam bộ đối với âm nhạc Huế, điển hình là bài Tương tư khúc của Huế được sáng tác dựa trên âm hưởng của nhạc Cải lương miền Nam.

Một bước chuyển biến của nghệ thuật Ca Huế trong thế kỷ XX là việc nó được đưa vào sân khấu Ca kịch Huế. Để phù hợp với tính kịch của sân khấu, các bài bản Ca Huế đã biến đổi. Chúng đã có sự thay đổi về tốc độ, giai điệu, cấu trúc bài bản... Trong những thập kỷ cuối của thế kỷ XX trở lại đây, vì một số lý do, cách diễn tấu của sân khấu Ca kịch đã được sử dụng trong Ca Huế thính phòng. Những biến đổi của Ca Huế ở thế kỷ XX thể hiện qua bài Tương tư khúc đặt ra một số vấn đề đáng suy nghĩ: làm thế nào để giữ phong cách riêng của từng thể loại âm nhạc cổ truyền, đặc biệt là Ca Huế - một bộ môn nghệ thuật âm nhạc đặc sắc đã được công nhận là di sản phi vật thể quốc gia, cũng như phong cách riêng của âm nhạc Huế nói chung. Đây phải chăng là vấn đề cần được quan tâm thích đáng để giữ gìn những đặc trưng âm nhạc của vùng đất Cố đô từng nổi tiếng với truyền thống văn hóa độc đáo và đặc sắc?

P.T.T 
(TCSH355/09-2018)

-----------------
1. Văn Lang, Ca Huế và Ca kịch Huế, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1993, tr.19-20.
2. Là người trong hoàng tộc triều Nguyễn.
3. Hòa thượng Thích Thiện Trí trụ trì chùa Hiếu Quang là người am hiểu về thơ văn, âm nhạc. Hòa  thượng từng sáng tác lời Ca Huế và làm thơ với bút danh Dạ sĩ.
4. Ông Nguyễn Hữu Mai (1911 - 1992) là quan “Ngũ đẳng Thị vệ”, chuyên hầu cận vua Bảo Đại. Ông  từng sáng tác lời Ca Huế với bút danh là Thiếu Phương.
5. Trong bài viết này, chúng tôi tạm mượn các thuật ngữ của lý thuyết âm nhạc phương Tây để người đọc  dễ hình dung, song trên thực tế, các thuật ngữ này chỉ có ý nghĩa tương tự chứ không hoàn toàn giống với ý nghĩa được dùng trong âm nhạc phương Tây. Chẳng hạn, các cao độ, các quãng âm của Ca Huế chỉ tương đương chứ không hoàn toàn giống với các cao độ, quãng âm trong âm nhạc phương Tây.
6. Tác giả Kiều Tấn cho rằng trong âm nhạc Tài tử Nam bộ, cả 2 loại bài bản Ai và Oán đều có dùng  dạng thang âm - điệu thức Hò - y - xang - xê - công - phàn - liu và xếp chúng vào cùng một hệ thống điệu Nam. (Kiều Tấn, Tìm hiểu điệu thức trong âm nhạc Tài tử Nam bộ, Thang âm Điệu thức trong âm nhạc truyền thống một số dân tộc miền Nam Việt Nam, 1993, tr. 395-396).
7. Tác giả Kiều Tấn cho rằng trong âm nhạc Tài tử Nam bộ, cả 2 loại bài bản Ai và Oán đều có dùng  dạng thang âm - điệu thức Hò - y - xang - xê - công - phàn - liu và xếp chúng vào cùng một hệ thống điệu Nam. (Kiều Tấn, Tìm hiểu điệu thức trong âm nhạc Tài tử Nam bộ, Thang âm Điệu thức trong âm nhạc truyền thống một số dân tộc miền Nam Việt Nam, 1993, tr. 395-396).
8. Hoàng Yến, Âm nhạc Huế: đờn nguyệt và đờn tranh, Những người bạn Cố đô Huế, bản dịch của  Đặng Như Tùng, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1998, tr.111.
9. Nguyễn Việt Đức (Chủ biên), Lâm Bảo Dần, Giáo trình Đàn - Ca Huế, Nxb. Đại học Huế, Huế,  2015, tr. 165-166.
10. Nguyễn Ngọc Bình, Ca Huế trong lĩnh vực sân khấu ca kịch Huế, Hội thảo Đề tài Khoa học cấp Bộ Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Ca Huế, Học viện Âm nhạc Huế, 2013, tr.36.     


---------------------
Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Việt Đức (Chủ biên), Lâm Bảo Dần, Giáo trình Đàn - Ca Huế, Nxb. Đại học Huế, Huế, 2015.
2. Văn Lang, Ca Huế và Ca Kịch Huế, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1993.
3. Nhiều tác giả, Thang âm Điệu thức trong âm nhạc truyền thống một số dân tộc miền Nam Việt Nam, Viện Văn hóa Nghệ thuật tại Tp Hồ Chí Minh xuất bản, Tp. Hồ Chí Minh, 1993.
3. Nhiều tác giả, Tài liệu giảng dạy Ca Huế tại Khoa Âm nhạc Truyền thống và Khoa Âm nhạc Di sản Học viện Âm nhạc Huế, lưu hành nội bộ.
4. Nhiều tác giả, Âm nhạc cổ truyền Quảng Trị, Viện Nghiên cứu Âm nhạc và Sở Văn hóa Thông tin - Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Trị xuất bản, Quảng Trị, 1997.
5. Nhiều tác giả, Hội thảo Đề tài Khoa học cấp Bộ Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Ca Huế, Học viện Âm nhạc Huế, Huế, 2013.
6. Bùi Ngọc Phúc (Chủ nhiệm), Báo cáo tổng hợp kết quả NCKH Đề tài cấp Bộ Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Ca Huế, Học viện Âm nhạc Huế, Huế, 2014.
7. Nguyễn Đình Sáng, Nguyễn Thị Kim Liên, Ca Huế và dân ca Bình Trị Thiên, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2012.
8. Hoàng Yến, Âm nhạc Huế: đờn nguyệt và đờn tranh, Những người bạn Cố đô Huế, bản dịch của Đặng Như Tùng, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1998, tr.111.  






 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Nhớ Huế (26/07/2015)
Chiều Huế tím (23/04/2015)