Âm sắc Huế
Vài hồi ức của một người cháu về ông đội nhã nhạc Nam triều
15:18 | 04/11/2009
NGUYỄN ĐẮC XUÂNNgày xưa, xã hội Việt Nam thực hiện nguyên tắc “phụ truyền tử kế” (cha truyền con nối), cho nên ông nội tôi - cụ Nguyễn Đắc Tiếu (sinh 1879), người làng Dã Lê chánh, xã Thủy Vân, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên, lúc mới lên mười tuổi, đã được cố tôi (lính trong đội Nhã nhạc Nam triều) đem vào Đại nội học Nhạc cung đình (Musique de Cour).
Vài hồi ức của một người cháu về ông đội nhã nhạc Nam triều
Đội nhã nhạc cung đình năm 1919 - Ảnh: cinet.gov.vn

Ông nội tôi học và phục vụ Nam triều trải qua bốn đời vua Thành Thái, Duy Tân, Khải Định và Bảo Đại với thời gian 45 năm (1889-1934). Lúc mới vào là một đồng ấu, ngày về hưu (tháng 11 năm Bảo Đại thứ 9 nhằm tháng 12/ 1934) là đội trưởng đội Nhạc chánh Nam triều nên ông có tên thường gọi là ông Đội Tiếu. Người đội trưởng trước ông nội tôi là ông Đội Thức.

Ông nội tôi đã đào tạo ra nhiều nhạc công, trong số đó có hai người “thành danh” là ông Đội Hoà (Lê Văn Hòa) và ông Đội Thị (Nguyễn Đình Thị). Lúc nhỏ tôi có nhiều cơ hội ở với ông nội, được tiếp xúc với các học trò của ông, được nghe ông “đánh thổi” và kể chuyện về Nhạc cung đình nhiều lần, nhưng vì tôi không có khiếu âm nhạc, nên không để ý. Mãi về sau, khi học Đại học và tham gia phong trào đấu tranh yêu nước (1963-1966), tôi giác ngộ về con đường nghiên cứu dân tộc (1965) thì ông tôi đã qua đời (1962). May sao, tôi còn bác Đội Thị (Nguyễn Đình Thị - cháu gọi ông tôi bằng cậu), tôi đã nhờ bác nói rõ cho tôi biết về những điều ông tôi kể mà tôi chỉ còn nhớ lờ mờ. Bên cạnh bác Đội Thị tôi còn có bác Ngũ Vọng (Nguyễn Đắc Vọng, cháu gọi ông nội tôi bằng chú) - một người được vua Khải Định tin cẩn dùng làm Thị Vệ nhưng cũng giỏi Nhạc cung đình đã kể cho tôi nghe những chuyện mà trước đây ông tôi chưa biết. Bài viết ngắn nầy ghi lại một số hồi ức có liên quan đến nhạc cung đình Huế mà ông nội tôi và các bác tôi đã đưa vào bộ nhớ của tôi.

1. Ông nội tôi - một người lính Nhã nhạc

Ông tôi kể rằng, vua Thành Thái bị người Pháp giam lỏng, nhà vua rất buồn cho nên Người thường lấy âm nhạc, hát bội làm vui. Khi có dịp được người Pháp đồng ý nhà vua tổ chức múa hát rất linh đình, có khi nhà vua nhảy lên sân khấu cầm chầu cho con hát hát. Trong dịp Lễ vạn thọ mừng vua Thành Thái 17 tuổi (1898), triều đình tổ chức Hát Bội ba ngày ba đêm tại Duyệt Thị Đường. Ông nội tôi được tham gia “đánh thổi” cho vua và nhiều quan khách quan trọng nghe. Trong số quan khách ông tôi nhớ nhất là Phụ chánh thân thần Tuy Lý Vương, Phụ chánh Nguyễn Trọng Hợp, Khâm sứ Pháp Brière....

Vì múa hát liên tục nên nhà vua và quan khách được bếp Ngự thiện phục vụ tại chỗ. Trong những ngày lễ ấy, mỗi khi Đội nhạc chánh biểu diễn gây được sự hào hứng cho người xem thì được ban thưởng quà bánh và có khi có cả vải lụa nữa. Tuy nhiên, tính tình vua Thành Thái bất thường, nếu có điều gì không vừa ý, nhà vua bắt phạt cũng rất nặng.

Thậm chí có người bị đuổi về quê. Mười chín năm ngồi trên ngai vàng, vua Thành Thái chỉ được đứng tế Nam Giao một vài lần, còn ngoài ra Phủ Tôn Nhơn phải cử một vị Hoàng thân thay vua tế Trời. Trong đời “đánh thổi” trong đội Nhạc chánh, ông nội tôi sợ nhất là phải đánh trống tế Giao. Đánh trống cho bậc thiên tử tế trời hết sức nghiêm. Mỗi lần đánh phải tập trung tư tưởng, vận dụng hết nội lực để đánh cho trúng. Đánh trống mà lỗi một nhịp làm cho vua đang lạy phải lúng túng là có thể bị đứt đầu. Do đó trước khi đánh phải cúng tổ cầu xin được gia hộ. Nhiều khi lo quá ông nội tôi phát đau bụng. Đời nay không ai có thể hiểu được chuyện khó khăn của người lính “đánh thổi” ngày xưa.

Năm 1907 vua Thành Thái bị tốn vị, vua Duy Tân lên thay. Vua Duy Tân cũng rất thích âm nhạc. Ngoài giờ học chữ Tây và chữ Nho, Ngài thường đến Nhà Duyệt Thị xem đội Nhạc Chánh tập luyện. Ngài ngồi hằng giờ để nghe nhạc. Vào các bữa trưa và tối, Ngài ngự thiện đều phải có Nhạc Chánh đến “đánh thổi” giúp vui, Ngài vừa ăn vừa nghe nhạc. Ngự thiện xong nhiều khi Ngài leo lên vai một người lính nhạc nào đó bảo “đồng đồng” Ngài đi chơi loanh quanh trong sân nhà Duyệt Thị. (Không được cõng vua, đã là vua thì phải ngồi trên vai hoặc trên đầu lính nên gọi là đồng đồng).

2. Không có con thì truyền nghề cho cháu

Hôm ấy vua Duy Tân ngồi trên vai ông nội tôi “đồng đồng” lên lầu Ngọ Môn chơi. Hai tay Ngài ôm đầu ông tôi, Ngài ẩy ẩy người như thúc ngựa đi mạnh tới. Ông nội tôi sợ quá bèn tâu:

 - Bẩm... bẩm... Ngài ngồi yên không thôi bổ!

 Vua Duy Tân bảo:

- Trẫm bổ thì người ta lấy đầu khanh...- Rồi như biết mình lỡ lời, nhà vua chữa ngay - mà khanh bị lấy đầu thì ai đánh thổi cho trẫm nghe. Không can chi mô!

Trong lúc ông tôi đứng hầu vua Duy Tân trên lầu Ngọ Môn, nhà vua hỏi chuyện gia đình, con cái của ông tôi. Ngài hỏi có người con nào của ông tôi đã vào học Nhạc Chánh chưa, ông tôi bẩm:

- Kính lạy Ngài, tôi chỉ có một cậu con trai nhưng còn quá nhỏ [1] lại bệnh tật luôn nên không đi xa mẹ được, còn ngoài ra toàn con gái không có ai nối nghiệp “đánh thổi” được cả.

Vua Duy Tân phán ngay:

Không có con thì đem cháu vào!

Thực hiện chỉ dụ của vua Duy Tân, ông tôi về làng Dã Lê tuyển chọn các cháu. Ông tôi tuyển được hai người con của anh và của chị ông là Nguyễn Đắc Vọng (sinh năm 1907) và Nguyễn Đình Thị (sinh năm 1905). Hai bác Vọng và bác Thị rất có khiếu âm nhạc, lại có chú và cậu kèm cặp nên học hành rất mau tấn tới. Bác Vọng thích đàn Nguyệt, bác Thị thích đàn Nhị. Nghĩ sẽ có cháu nối nghiệp nhà, ông tôi rất vui. Nhưng không ngờ sau đó mấy năm vua Duy Tân cầm đầu cuộc khởi nghĩa chống Pháp (1916) không thành rồi bị bắt bị đày sang đảo Réuniuon, vua Khải Định lên ngôi, mọi sự tính toán của ông tôi đều bị thay đổi cả. Vua Khải Định nghe Nguyễn Đình Thị đàn nhị ngọt ngào chuẩn mực thích lắm. Trong thời gian ấy, nhà vua đang học văn minh văn hoá Tây phương, uống rượu Tây, dùng nước hoa của Tây, đi giày Tây, và cũng bắt đầu nghe nhạc Tây. Nhà vua nẩy ra ý tưởng bắt Nguyễn Đình Thị đi học violon để về đàn nhạc Tây cho ông nghe. Nhà vua gởi bác Thị lên nhà thờ Kim Long học Violon với các Thầy dòng. Đồng thời, nhà vua thấy Nguyễn Đắc Vọng tròn trĩnh dễ thương, ông chuyển bác Vọng qua ngạch thị vệ, ngày đêm ở bên cạnh vua. Và, như sử sách đã đề cập đến: Vua Khải Định “bất lực”, không thích gần đàn bà. Từ ngày “tuyển” được Nguyễn Đắc Vọng, ban đêm nhà vua ôm thị vệ Vọng mà ngủ. Năm 1922, vua Khải Định sang Pháp ông cũng đem Nguyễn Đắc Vọng theo [2].

Bác tôi không được học hành nhiều nhưng dễ thương và phục vụ tận tụy, được lòng vua cho nên bác đã được thăng đến Ngũ Đẳng Thị Vệ. Sau khi vua Khải Định băng, bác Ngũ Vọng vẫn phuc vụ trong Nội (The National Geographic Magazine, năm 1931). Đến đầu triều Bảo Đại, bác được chuyển vào cai quản một biệt điện của vua ở Qui Nhơn. Sống trong Nội, ngoài giờ phục vụ, bác Ngũ Vọng thường đến đánh thổi với đội Nhạc chánh. Từ sau ngày về hưu bác về sống ở Dã Lê chánh và tiếp tục thú vui đánh thổi với ông nội tôi. Bác mới qua đời năm 1980.

Trong lúc bác Nguyễn Đắc Vọng, (1907-1980) làm “gối ôm” của vua Khải Định thì bác Nguyễn Đình Thị miệt mài học violon với các thầy dòng ở Kim Long. Bác được dạy lý thuyết không bao nhiêu nhưng phải tự tập luyện (exercice) thì nhiều. Các thầy dòng rất nghiêm khắc mỗi khi nghe bác Thị đàn “phô” (faute). Do đó bác rất cẩn thận trong tập luyện. Không ngờ sự khắt khe của các thầy dòng đã tạo nên cây violon Nguyễn Đình Thị rất xuất sắc. Từ đó, nhạc cổ điển phương Tây đưa ra là bác đàn được ngay, không cần phải tập luyện trước. Sau ba năm học tập bác Nguyễn Đình Thị được về phục vụ cho vua Khải Định. Bác được biểu diễn một số bản nhạc cổ điển phương Tây với quan Tây, quan ta về dự Tứ tuần đại khánh vua Khải Định (1924). Bác Nguyễn Đình Thị giỏi cả Nhạc cung đình và nhạc cổ điển phương Tây. Đời Bảo Đại bác được thăng lên làm Đội trưởng đội Nhạc chánh Nam Triều. Từ đó ban Nhạc cung đình Huế có cả nhạc cụ phương Tây. Đội Nhạc chánh trình bày bài Đăng Đàn Cung bằng dàn Đại nhạc (cổ) truyền thống của Cung đình Huế và đàn violon (mới). Vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương thường sai Đội Thị đàn Violon để chiêu đãi các quốc khách. Ngoài giờ phục vụ Nam triều, bác Đội Thị được mời biểu diễn nhạc cổ điển phương Tây ở Hội Quảng Tri, khách sạn nhà hàng Morin. Sau ngày chế độ quân chủ Việt Nam cáo chung, bà Hoàng Thái hậu Từ Cung đã có nhiều cố gắng duy trì bộ phận truyền thống của Đội nhạc chánh dưới sự chỉ huy của ông Đội Hoà. Bác Đội Thị chuyển qua phụ trách Ban Ca nhạc của đài Phát thanh Huế. Cùng ở trong Ban ca nhạc đài Phát thanh lúc đó có nhạc sĩ Lê Quang Nhạc, nhạc sĩ Văn Giảng, nhạc sĩ Lê Khuê, nhạc sĩ Ngô Ganh, nhạc sĩ Châu Kỳ, nhạc sĩ Vĩnh Phan, ca sĩ Mộc Lan (từ sau năm 1957 có cả ca sĩ Hà Thanh). Nhiều lần bác Đội Thị giải thích với tôi:

- “Bác không phải là một nhạc sĩ (musicien), bác chỉ là một người chơi vĩ cầm (violonist)”.

Bác Đội Thị là một người chơi vĩ cầm đầu tiên ở Kinh đô Huế với trình độ của một bậc thầy. Có lần tôi hỏi bác:

 - “Vì sao bác lại đi học Violon mà không học một thứ đàn nào khác?”

Bác giải thích:

- “Bác học Violon là vì lúc đó bác đã giỏi đàn Nhị. Cách luyến, cách nhấn của đàn Violon giống như đàn nhị của mình, còn các loại đàn phương Tây khác thì các khoảng cách cao thấp đã được định sẵn khác với đàn của mình” [3]

Năm 1958, từ Đài Phát Thanh Huế bác Đội Thị về hưu. Mãi đến năm 1990 bác mới qua đời. Con trai bác Đội Thị là anh Nguyễn Đình Niêm, nối nghiệp âm nhạc của bác (Anh Niêm dạy nhạc ở Trung tâm Văn Thể Mỹ thuộc Sở Giáo dục TTH, nay đã hưu trí).

3. Ông Đội Hoà và ông Bát Tiếp

Dự định đào tạo hai người cháu nối nghiệp nhạc cung đình không thành, ông nội tôi tập trung đào tạo hai người học trò là ông Lê Văn Hoà và ông Lê Nhữ Tiếp. Ông Hoà giỏi nhiều thứ đàn nhưng thổi sáo là xuất sắc nhất. Ông được thăng Đội trưởng nên về sau người ta thường gọi ông là Đội Hoà [4]. Năm 1956, ông Hoà được mời sang Phi Luật Tân tham dự một cuộc thi quốc tế, và cây sáo của ông đã đoạt được Huy chương vàng. Được giải về nước, ông Đội Hoà về Dã Lê bái tạ ông nội tôi và thổi lại bài sáo ông đã đoạt giải cho ông nội tôi nghe [5].

Người thứ hai được ông nội tôi tập trung đào tạo là ông Lê Nhữ Tiếp. Ông Tiếp thổi kèn. Ông Tiếp đã được vua Bảo Đại thăng Bát Phẩm nên thường gọi là Bát Tiếp. Ông Bát Tiếp là thế hệ đàn anh của Nguyễn Kế, Trần Kích [6].. Ông Bát Tiếp qua đời cách đây trên mươi năm.

4. Một vài ý tưởng về Nhã nhạc cung đình Huế

Vào đầu những năm sáu mươi, tôi đã tốt nghiệp Trung học và mới vào Đại học Huế. Lúc đó trào lưu tân nhạc đang chiếm lĩnh đầu óc của lớp thanh niên sinh viên lứa tuổi tôi. Chúng tôi xem cổ nhạc, nhạc cung đình Huế là những thứ cổ lỗ sĩ chỉ dành cho ông già bà lão, cúng tế ma chay mà thôi. Cho nên chúng tôi không bao giờ để ý tìm hiểu làm gì. Vào mùa hè năm 1962, tôi vừa đỗ vào Đại học Sư phạm thì ông nội tôi qua đời. Điều bất ngờ nhất đối với tôi là ngoài bà con nội ngoại, làng xóm còn có hàng mấy chục người mệnh danh là học trò Nhạc chánh của ông nội tôi ở khắp nơi mang trống kèn đàn địch về nhà “làm đám” cho ông nội tôi. Suốt thời gian tang lễ các ban nhạc ò í e đánh thổi liên tục. Ngày đưa tang, gia đình và làng xóm phải ưu tiên để cho học trò gánh quan tài ông nội tôi xuống đò để đưa lên chôn ở làng Dã Lê Thượng. Lúc ông nội tôi hưu trí ở làng tôi không mấy khi thấy học trò của ông tôi đông thế. Người nào tính tình cũng dễ thương, riêng chỉ có ông Đội Hoà thì rất nóng nảy, quát tháo những người đàn địch không vừa ý ông. Tôi hơi bực mình. Biết thế, bác Ngũ Vọng đã giải thích với tôi:

- Cổ nhạc cũng như Nhạc cung đình không có bài bản như tân nhạc bây giờ. Các thầy nắm được một số “nhạc chương” - cái sườn từng làn điệu cơ bản, rồi các thầy dạy cho học trò về làn điệu, tiết tấu, cường độ, màu âm, số bè nhạc và phối âm phối khí... theo phong cách của riêng mỗi thầy. Do đó học trò chịu ảnh hưởng và chịu ơn các thầy rất lớn, đúng như người ta nói: “Không thầy đố mầy làm nên”. Nhờ ông nội dạy dỗ mà những nhạc công nầy đã được truyền nghề và sống được với nghề. Khi ông nội qua đời họ tụ tập về để lo đám tang cho thầy cháu đừng ngạc nhiên chi cả.

 Sự giải thích của bác Ngũ Vọng tôi nghe có lý nhưng cũng chẳng cần thiết gì cho tôi lúc ấy - lúc lứa tuổi chúng tôi đang bị hấp dẫn bởi các trào lưu văn học hiện sinh, trào lưu nhạc Rock, nhạc Twit của phương Tây. Không ngờ chỉ ba bốn năm sau, quân đội Mỹ đổ bộ vào Huế, tinh thần dân tộc trong lứa tuổi tôi trỗi dậy, tôi đi nghiên cứu Hát bội Huế để làm luận văn ra trường, tôi sực nhớ đến bác Ngũ Vọng và bác Đội Thị. Qua hai bác tôi nhận biết được cái “nhạc chương” là cái gốc, cái căn bản, người nghệ sĩ dùng tài năng riêng của mình phát triển hoa lá cho cái gốc ấy. Người nào giỏi biến hoá phát triển theo lối ấy mới trở thành thầy. Tài năng của mỗi nghệ sĩ bộc lộ ra ở cái chỗ biến hoá để tạo nên phong cách riêng của mình. Cái gốc phải giữ nhưng qua các đời sự diễn tấu biến hoá không ngừng nên mỗi thời nghe cùng một bản nhạc có sự khác nhau. Nhạc truyền thống Huế nói chung và Nhạc cung đình Huế nói riêng so với nhạc cổ điển phương Tây cho thấy những khác biệt rất rõ. Đối với nhạc cổ điển phương Tây, bản nhạc là một thực thể hoàn chỉnh, bất biến, bắt buộc người chơi nhạc phải tuân thủ một cách nghiêm nhặt mọi chi tiết về làn điệu, hoà âm, phối bè, cường độ, màu âm, phối khí... đã được nhà soạn nhạc ghi trên bản nhạc. Trong lúc đó, “nhạc chương” của âm nhạc cung đình Huế chỉ ghi những nét cơ bản, còn hầu hết những phần còn lại đều do tài năng của người đánh nhạc biến hoá. Người chơi nhạc là đồng tác giả với người sáng tác bản nhạc. Do đó trên các nhạc bản Nhạc cung đình không bao giờ thấy ghi tên tác giả. Một bản nhạc cung đình Huế hai người chơi nghe như hai bài khác nhau, thậm chí một bản nhạc mà một người chơi buổi sáng khác, buổi chiều khác, khi vui khác và khi buồn khác. Chính vì thế mà ta nghe đi nghe lại vẫn thấy thích. Một bản cổ nhạc tấu lên, người sành điệu nhắm mắt có thể đoán biết danh cầm nào đang chơi bản nhạc ấy. Người có tài hay bất tài chỉ dạo qua một bản đàn có thể đánh giá được ngay. Bởi thế thời nào cũng có nhiều người chơi nhạc nhưng để trở thành danh cầm như các ông Hoàng Nam Sách, ông Chủ Văn, ông Hầu Biều, ông Cả Soạn, ông Nguyễn Hữu Ba, ông Vĩnh Phan, ông Bửu Lộc... chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay.

Những trang ghi chép trên thật quá sơ lược so với cuộc đời 45 năm hoạt động âm nhạc cung đình của ông nội tôi và hai bác tôi. Nhưng dù sao những điều tôi còn nhớ ấy cũng đã giúp cho tôi có được một khái niệm đúng đắn về âm nhạc cung đình Huế. Trước tiên, tôi thấy âm nhạc không những là một trò tiêu khiển mà còn là một biện pháp giáo dục nuôi dưỡng tinh thần cho vua chúa. Âm nhạc có trong toàn bộ đời sống trong cung đình, âm nhạc giữ sự liên lạc giữa người sống và kẻ khuất mặt, giữa con trời và trời. Nhưng người hoạt động âm nhạc trong cung đình lại được xem như lính. Mà “Nước sông, công lính”, người lính nhạc phục vụ đôi khi rất nghiệt ngã. Cung điện thành quách là cái xác, còn âm nhạc là cái hồn của cung đình Huế. Cung đình Huế không thể thiếu âm nhạc. Suy rộng ra không giữ được âm nhạc dân tộc thì khó giữ được cái hồn của nước. Trong âm nhạc cung đình Huế cũng như âm nhạc truyền thống Việt Nam, người “đánh thổi” giữ vai trò quyết định. Vào thời các vua cuối triều Nguyễn, dàn nhạc cung đình Huế có pha trộn thêm một số cây đàn phương Tây. Sự pha trộn nầy có chọn lọc giúp cho âm nhạc cung đình Huế phong phú thêm chứ không làm thay đổi nó. Kinh nghiệm đó có thể giúp cho nhà hát Duyệt Thị ngày nay tham khảo để định ra chương trình hoạt động của mình. Giữ được bản sắc dân tộc mà không bị chê cứng nhắc là như vậy.

Huế, tháng 7 năm 2002 - 2009
N.Đ.X
(248/10-09)


---------
[1] Cậu con trai độc nhất của ông tôi tên là Nguyễn Đắc Vy, sinh năm 1913, sau này sinh thành ra tôi.
[2] Hoàng Triều Khải Định Thất Niên, Ngự Giá Như Tây Ký, Huế 1922, tr.49 ghi rõ Nguyễn Đắc Vọng đã được vua Khải Định cho đi theo sang Pháp
[3] Có lần nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba cũng giải thich với tôi như thế
[4] Thời ông Hoà làm Đội trưởng đội Nhạc chánh, ông có nhà ở phía tay phải trước mặt chùa Báo Quốc. Nay không còn ai nối nghiệp cả.
[5] Theo nghệ sĩ Trần Kich: ông Đội Hoà mất hồi mùa Xuân năm 1968
[6] Ông Bát Tiếp được mua đất làm nhà bên cạnh cung An Định, ngày nay vẫn còn.



 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng