Festival Huế 2018 (New)
Giới thiệu sách “Tù chính trị câu lưu Côn Đảo 1957-1975, từ thực tiễn nhìn lại”
10:32 | 02/05/2018

Nhằm hưởng ứng Festival Huế 2018, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân – Cơ quan đại diện tại Đà Nẵng phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử TT-Huế giới thiệu tập sách “Tù chính trị câu lưu Côn Đảo 1957-1975, từ thực tiễn nhìn lại” tại Hội trường Đại học Huế, số 3 Lê Lợi vào lúc 8h30.

Giới thiệu sách “Tù chính trị câu lưu Côn Đảo 1957-1975, từ thực tiễn nhìn lại”
Phát biểu của Đại tá Lê Anh Dũng - Trưởng đại diện Nxb QĐND tại Đà Nẵng

Công trình biên soạn sách “Tù chính trị câu lưu Côn Đảo 1957-1975, từ thực tiễn nhìn lại”, đến nay đã ra mắt độc giả được bốn năm, với năm lần in ấn phát hành được 4500 quyển.

Ông Đỗ Hằng - Đại diện Ban biên soạn cuốn sách phát biểu tại buổi lễ

Tại lần tái bản thứ tư, sách dày hơn 800 trang, do cựu cán bộ tù chính trị câu lưu Côn Đảo biên soạn có bổ sung, tu chỉnh. Sách tập trung ca ngợi phẩm chất cách mạng, tinh thần đấu tranh ngoan cường của tù chính trị câu lưu Côn Đảo trước các thủ đoạn tàn độc, dã man của nhà tù Mỹ-Ngụy; đồng thời đúc rút bài học kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng, binh-địch vận, tinh thần đoàn kết, bảo vệ đồng đội của các chiến sĩ cộng sản.

Bìa trước của công trình biên soạn "Tù chính trị câu lưu Côn Đảo (1957-1975), từ thực tiễn nhìn lại"

Theo PGS. TS. Đỗ Bang – Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, cuốn sách “Tù chính trị câu lưu Côn Đảo 1957-1975, từ thực tiễn nhìn lại” là một tài sản vô giá về cuộc đấu tranh cho lý tưởng cách mạng, tiêu biểu cho tinh thần chiến đấu bất khuất của dân tộc Việt Nam, là tượng đài chiến thắng sau gần hai thập niên đấu tranh một mất một còn, để khẳng định chân lý: “Chính nghĩa thắng bạo tàn.” Với giá trị to lớn về nguồn sử liệu và ý nghĩa chân chính của một thế hệ đã chiến đấu và hy sinh tại nhà tù Côn Đảo mà chắc chắn khó lặp lại trong tương lai, với nhà tù Côn Đảo, lịch sử Việt Nam chỉ diễn ra một lần nhưng đã đủ nói lên tất cả về giá trị phẩm chất cách mạng và ý chí bất khuất của một dân tộc “thà chết không chịu làm nô lệ.”

Hữu Đức

Các bài mới
Các bài đã đăng